Thời gian làm việc: 7:30 – 11:30 và 13:30 – 17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu

Phản tố, kiện lại của bị đơn trong tranh chấp kinh doanh, thương mại – Bất cập và hướng hoàn thiện

TS. CAO NHẤT LINH – Trọng tài viên MAC (Khoa Luật – Đại học Cần Thơ), PHẠM VIỆT TRUNG (Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau)

  1. Khái niệm về yêu cầu phản tố, kiện lại

Đối với tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại tòa án thì quyền yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015). Tại Khoản 4 Điều 72 BLTTDS 2015 quy định “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn”. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 200 của BLTTDS năm 2015 thì phạm vi yêu cầu phản tố của bị đơn không chỉ dừng lại đối với nguyên đơn, mà còn có thể yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, chúng ta có thể định nghĩa yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự như sau: Yêu cầu phản tố là yêu cầu của bị đơn liên quan đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc yêu cầu đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án”.

Khác với quyền yêu cầu phản tố của bị đơn trong pháp luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM năm 2010) quy định quyền kiện lại của bị đơn đối với nguyên đơn. Khoản 1 Điều 36 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp”. Quyền kiện lại của bị đơn trong tố tụng trọng tài có phạm vi thực hiện quyền hẹp hơn đối với quyền phản tố trong tố tụng tòa án. Bởi vì, việc kiện lại của bị đơn trong Luật TTTM năm 2010 không bao gồm yêu cầu đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn trong vụ tranh chấp. Về định nghĩa thì Luật TTTM năm 2010 cũng không có định nghĩa thế nào là kiện lại. Do đó, Luật TTTM năm 2010 nên được bổ sung định nghĩa kiện lại như sau: “Kiện lại là yêu cầu của bị đơn khởi kiện ngược trở lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến tranh chấp”.

  1. Bản chất và phạm vi yêu cầu phản tố, kiện lại

Mặc dù khoản 4 Điều 72 BLTTDS năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn”. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 200 của BLTTDS năm 2015 chỉ quy định 03 trường hợp để tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Nói cách khác, phạm vi yêu cầu phản tố của bị đơn bị giới hạn trong 03 trường hợp. Cụ thể: a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Quy định này chưa rõ, nên đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau về yêu cầu phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thứ nhất, căn cứ vào quy định chung về quyền, nghĩa vụ của bị đơn tại Điều 72 BLTTDS năm 2015 thì bị đơn chỉ có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, mà không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Do đó, nếu căn cứ vào Điều 72 nêu trên thì bị đơn hoàn toàn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, theo Điều 200 của Bộ luật này, quy định trực tiếp về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn thì “… bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.

Việc không thống nhất về phạm vi áp dụng quyền phản tố của bị đơn trong hai điều luật nêu trên không thể nói là sự bất cập lớn. Bởi vì tại các quyền và nghĩa vụ chung của đương sự được quy định tại Điều 70 của BLTTDS năm 2015 thì ngoài các quyền và nghĩa vụ được liệt kê thì tại khoản 26 của điều luật này có thêm quy định“Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định”. Như vậy, căn cứ vào quyền, nghĩa vụ chung của đương sự tại Điều 70 (trong đó có bị đơn) thì việc bị đơn thực hiện quyền phản tố tại Điều 200, bao gồm phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không mâu thuẫn với Điều 70. Song, nếu căn cứ vào quyền, nghĩa vụ đặc thù của bị đơn tại Điều 72 thì việc vị đơn thực hiện quyền phản tố tại Điều 200, bao gồm phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là mâu thuẫn với Điều 72.

Từ sự không thống nhất nêu trên và phản tố là quyền đặc thù của bị đơn, nên Điều 72 của BLTTDS năm 2015 nên được bổ sung thêm quyền phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, bổ sung khoản 4 Điều 72 như sau: “4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có liên quan đến yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Thứ hai, Điều 200 của BLTTDS năm 2015 chỉ cho phép tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Quy định này chưa hợp lý. Bởi vì theo Điều 73 của BLTTDS năm 2015 thì “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này”. Như vậy, khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, nhưng tham gia tố tụng với bên nguyên đơn thì bị đơn không có quyền phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để bù trừ nghĩa vụ với người này. Thế nhưng, trong vụ án, nếu có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì có thể phát sinh nghĩa vụ của bị đơn đối với người này, dù người này không có yêu cầu độc lập. Do đó, nếu xét về bản chất phản tố thì bị đơn vẫn có quyền yêu cầu bù trừ nghĩa vụ đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Do đó, Điều 200 của Bộ luật TTDS cần được sửa đổi theo hướng thay thế cụm từ “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” bằng cụm từ “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như vậy, khi bị đơn có yêu cầu bù trừ nghĩa vụ đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì cũng được coi là phản tố, vì nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với nguyên đơn thì quyền lợi của họ đối với bị đơn cũng giống như quyền lợi của nguyên đơn đối với bị đơn. Do đó, bị đơn hoàn toàn có quyền phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan miễn sao việc phản tố đó nhằm mục đích bù trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ yêu cầu của đối phương hoặc liên quan đến yêu cầu của đối phương.

Đối với tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết bằng trọng tài, thì phạm vi kiện lại được quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật TTTM năm 2010. Cụ thể: “Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp”. Như vậy, theo quy định nêu trên thì bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn trong vụ tranh chấp đó mà không cần phải có yếu tố bù trừ nghĩa vụ hay loại bỏ một phần hay toàn bộ yêu cầu. Trường hợp  này chỉ có một điều kiện duy nhất là phải có liên quan đến vụ tranh chấp. Như vậy, so với tố tụng tòa án thì việc kiện lại trong tố tụng trọng tài chỉ có thể tương đồng trong trường hợp thứ 03 của các trường hợp chấp nhận yêu cầu phản tố theo quy định của BLTTDS năm 2015.

Do đó, bản chất và phạm vi kiện lại trong tố tụng trọng tài khác với bản chất và phạm vi phản tố trong tố tụng tòa án. Việc kiện lại trong tố tụng trọng tài không nhằm bù trừ nghĩa vụ đối với bên yêu cầu hay loại bỏ một phần, toàn bộ yêu cầu của bên yêu cầu, mà nhằm mục đích khởi kiện ngược lại nguyên đơn trong vụ tranh chấp đó. Quy định này không hợp lý, bởi vì nếu nhằm mục đích khởi kiện lại nguyên đơn trong vụ tranh chấp đó thì có nghĩa là trong cùng một vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải giải quyết 2 yêu cầu khởi kiện độc lập đối kháng lẫn nhau. Cụ thể, Khoản 4 Điều 36 của Luật TTTM năm 2010 quy định: “Việc giải quyết đơn kiện lại do Hội đồng trọng tài giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn thực hiện theo quy định của Luật này về trình tự, thủ tục giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn”. Ngoài ra, Luật TTTM năm 2010 không có quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ tranh chấp. Nói cách khác, Luật TTTM năm 2010 quy định trong vụ tranh chấp chỉ có nguyên đơn, bị đơn mà không có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, phạm vi kiện lại của bị đơn trong tố tụng trọng tài không áp dụng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Luật TTTM năm 2010 nên có văn bản hướng dẫn về phạm vi khởi kiện lại của bị đơn theo hướng tương đồng với phạm vi phản tố của bị đơn trong tố tụng tòa án. Ngoài ra, Luật TTTM năm 2010 nên bổ sung thêm chủ thể tham gia tố tụng thứ ba, đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trọng vụ tranh chấp và mở rộng phạm vi kiện lại của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu người này có quyền lợi liên quan đến bị đơn trong vụ tranh chấp.

  1. Thời điểm yêu cầu phản tố, kiện lại

Đối với tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại tòa án, khoản 1 Điều 200 của BLTTDS quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”. Như vậy, thời điểm bị đơn có quyền thực hiện yêu cầu phản tố là cùng lúc với thời điểm nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 199 BLTTDS năm 2015 thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, kèm theo yêu cầu phản tố (nếu có). Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì thời điểm bắt đầu thực hiện quyền phản tố của bị đơn là ngay khi nhận được thông báo của tòa án về việc thụ lý vụ án. Tuy nhiên, vào thời điểm này, bị đơn chỉ có thể thực hiện được quyền phản tố đối với nguyên đơn. Bởi vì trong nội dung của thông báo thụ lý theo Điều 196 BLTTDS, không có thông tin về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, vào thời điểm này, bị đơn hoàn toàn không thể yêu cầu bù trừ nghĩa vụ hay loại trừ yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trừ khi bị đơn biết được trong vụ án đó có đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia. Như vậy, tình huống này chỉ có thể xảy ra khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và thủ tục tố tụng quay lại từ đầu. Có nghĩa là tòa án phải thực hiện thủ tục tố tụng như thủ tục nhận khởi kiện và thụ lý đơn khởi kiện của nguyên đơn. Lúc đó, bị đơn mới có cơ hội thực hiện quyền phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trong trường hợp đơn khởi kiện của nguyên đơn không có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì bị đơn chỉ có thể biết được người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào thời điểm diễn ra phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Thế nhưng, khoản 3 Điều 200 của BLTTDS năm 2015 lại quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Đây được xem là thời gian kết thúc việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn. Nói cách khác, sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì không có quy định nào cho phép bị đơn thực hiện quyền phản tố. Quy định này khá bất cập. Cụ thể, theo Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC của TANDTC thì “Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần thì lần hòa giải đầu tiên Tòa án phải tiến hành theo đúng trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đối với lần hòa giải tiếp theo, Tòa án chỉ tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ khi có tài liệu, chứng cứ mới và ghi vào biên bản hòa giải”.

Như vậy, BLTTDS quy định giới hạn “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” là áp dụng cho trước thời điểm mở phiên họp đầu tiên hay các phiên họp tiếp theo? Căn cứ vào quy trình tố tụng, thì các phiên họp tiếp theo không thể được gọi là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Do đó, có thể kết luận rằng, thời điểm bị đơn phản tố phải được thực hiện trước khi mở phiên họp đầu tiên theo thủ tục quy định tại Điều 120 của BLTTDS năm 2015. Điều này là quá bất hợp lý. Do đó, trên thực tế, các tòa án có thể chấp nhận yêu cầu phản tố trong quá trình diễn ra phiên họp đầu tiên hoặc sau khi diễn ra phiên họp đầu tiên. Tuy nhiên, để chấp nhận quyền phản tố này ở các giai đoạn sau khi mở phiên họp đầu tiên về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì khoản 3 Điều 200 của BLTTDS nên được sửa đổi như sau: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”. Việc mở rộng phạm vi thời gian thực hiện quyền phản tố này vừa nhằm tạo điều kiện cho bị đơn có đủ thời gian phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau khi bị đơn nắm chính xác được toàn bộ thông tin vụ án, vừa tạo điều kiện cho việc giải quyết, chấp nhận phản tố được chính xác.

Trong tố tụng trọng tài, khoản 2 Điều 36 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ”. Như vậy, khoản 2 và khoản 3 của Điều 35 xác định thời điểm bắt đầu, kết thúc việc thực hiện quyền gửi bản tự bảo vệ (đồng nghĩa với việc xác định thời điểm bắt đầu, kết thúc việc thực hiện quyền kiện lại) của bị đơn. Cụ thể: “Nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc”. Tương tự, “Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ…”.

Như vậy, thời điểm kiện lại của bị đơn trong tố tụng trọng tài được xác định bắt đầu từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và kết thúc trong vòng 30 ngày sau đó, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc nếu quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài không có quy định khác hoặc không được trung tâm trọng tài cho gia hạn (nếu giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài quy chế). Nói cách khác, có 04 thời điểm kết thúc quyền kiện lại của bị đơn: Theo thỏa thuận; Theo quy tắc của Trung tâm trọng tài nếu giải quyết bằng trọng tài quy chế; Được trung tâm trọng tài cho gia hạn; 30 ngày sau khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn nếu không có các trường hợp nêu trên.

So với quyền phản tố của bị đơn trong tố tụng tòa án thì quyền kiện lại của bị đơn trong tố tụng trọng tài có thời điểm kết thúc rộng hơn. Tuy nhiên, quy định này vẫn khá bất cập về điều kiện nộp đơn kiện lại. Cụ thể, việc quy định đơn kiện lại phải nộp cùng lúc với bản tư bảo vệ là bất hợp lý. Bởi vì, nếu bị đơn không gửi bản tự bảo vệ thì có quyền nộp đơn kiện lại nguyên đơn hay không? Trong khi, theo quy định tại khoản 5 Điều 35 của Luật TTTM năm 2010 thì trường hợp bị đơn không nộp bản tự bảo vệ này, quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành. Thế nhưng, căn cứ vào quy định hiện hành, bị đơn không gửi bản tự bảo vệ thì quá trình giải quyết vẫn được tiến hành nhưng bị đơn không có quyền kiện lại, vì không có bản tự bảo vệ để gửi đơn kiện lại cùng lúc với bản tự bảo vệ. Ngoài ra, theo cách hiểu nêu trên thì trong trường hợp bị đơn nộp bản tự bảo vệ mà không nộp đơn kiện lại, nhưng sau đó bị đơn muốn kiện lại nguyên đơn thì bị đơn cũng sẽ không được nộp đơn kiện lại, cho dù thời hạn gửi bản tự bảo vệ vẫn còn.

Để khắc phục quy định chưa rõ ràng này, khoản 2 Điều 36 của Luật TTTM năm 2010 nên sửa đổi thành: “Thời hạn nộp đơn kiện lại được tính cùng với thời hạn nộp bản tự bảo vệ”. Nếu sửa đổi như trên thì đảm bảo được việc bị đơn không nộp bản tự bảo vệ nhưng vẫn có quyền nộp đơn kiện lại nguyên đơn. Bên cạnh đó, Luật Trọng tài thương mại cũng nên mở rộng thời gian gửi bản tự bảo vệ (đồng nghĩa với việc mở rộng thời gian kiện lại của bị đơn) theo hướng được quyền gửi bản tự bảo vệ trước lúc diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài.

Tóm lại, để bảo vệ quyền lợi của mình trong tranh chấp kinh doanh, thương mại, bị đơn có thể thực hiện quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu tranh chấp được giải quyết bằng hình thức tòa án) hoặc kiện lại nguyên đơn (nếu tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài). Tuy nhiên, các quy định về phạm vi, thời điểm bắt đầu, kết thúc hoặc thủ tục phản tố, kiện lại trong BLTTDS năm 2015 và Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn khá nhiều bất cập, chưa thực sự đảm bảo và tạo điều kiện cho bị đơn thực hiện quyền này một cách thuận lợi. Do đó, một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật nêu trên nhằm góp phần vào việc đảm bảo quyền lợi cho bị đơn khi tham gia tố tụng theo quy định của BLTTDS năm 2015 và LTTTM 2010.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  2. Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
  3. Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân.
  4. Giải đáp số: 01/2017/GĐ-TANDTC, ngày 07/04/2017 về Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.

Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-to-kien-lai-cua-bi-don-trong-tranh-chap-kinh-doanh-thuong-mai-bat-cap-va-huong-hoan-thien-63717.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *